Nam Định biotechnology

ĐAN SÂM
(Radix Salviae)
1. Tên khoa hoc: Salvia mitiorrhiza Bunge
2. Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
3. Tên khác: Huyết sâm, Xích sâm, Hồng căn, Cứu thảo, Xôn đỏ.
4. Mô tả:
- Cây: Cây thảo lâu năm, cao chừng 40-80cm; rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5-1,5cm, màu đỏ nâu.
- Lá: Lá kép mọc đối, thường gồm 3-7 lá chét; lá chét giữa thường lớn hơn, mép lá chét có răng cưa tù; mặt trên lá chét màu xanh tro, có lông.
- Hoa: Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-15cm, với 6 vòng hoa; mỗi vòng 3-10 hoa, thông thường là 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thuỳ; 2 nhị ở môi dưới; bầu có vòi dài.
- Quả: Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm. Ra hoa tháng 4-6, kết quả tháng 7-9.
- Rễ: Rễ ngắn, thô, đôi khi ở đầu rễ còn sót lại gốc của thân cây. Rễ hình trụ dài, hơi cong queo, có khi phân nhánh và có rễ con dạng tua nhỏ; dài 10-20 cm, đường kính 0,3-1 cm. Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô, có vân nhăn dọc. Vỏ rễ già bong ra, thường có màu nâu tía. Chất cứng và giòn, mặt bẻ gẫy không chắc có vết nứt, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hình xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.
Vi phẫu
Lớp bần gồm nhiều lớp tế bào có thành dày, bị bẹp. Mô mềm vỏ dày cấu tạo bởi tế bào hình tròn hay bầu dục, thành mỏng, xếp đều đặn theo hướng tiếp tuyến. Libe cấp 2 gồm những tế bào nhỏ, thành mỏng, xếp đều đặn và liên tục thành vòng tròn và tập trung dày hơn ở những chỗ tương ứng với các nhánh gỗ. Tia ruột rộng, mỗi tia gồm 6 - 35 dãy tế bào có thành mỏng, xếp theo hướng xuyên tâm từ gần trung tâm xuyên qua gỗ đến libe cấp 2.
Bột
Màu đỏ nâu, mùi thơm, vị hơi ngọt sau đắng, chát. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần có các tế bào màu đỏ nâu, hình nhiều cạnh, thành dày. Tế bào mô mềm hình gần tròn, thành mỏng, mảnh mạch điểm rộng 20 - 50 μm. Sợi dài, thành dày.
5. Phân bố:
Là một loài thực vật sống lâu năm trong chi Salvia, được đánh giá cao do rễ của nó được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa. Là loài bản địa của cả Trung Quốc và Nhật Bản, nó sinh sống tại các khu vực có độ cao từ 90 tới 1.200 m trên mực nước biển, ưa các môi trường nhiều cỏ trong rừng, sườn núi, dọc các bờ suối. Vỏ ngoài của rễ cái có màu đỏ, là phần được sử dụng trong y học. Phần tên gọi cho loài miltiorrhiza có nghĩa là "nước màu đỏ chiết ra từ rễ"
Cây được nhập trồng ở vùng núi (như Tam Đảo) và đồng bằng (Hà Nội), sinh trưởng tốt.
6. Trồng trọt:
7. Bộ phận dùng: Dược liệu là rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây.
8. Thu hái, chế biến:
Ðào rễ vào mùa đông, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Tẩm nước, ủ mềm một đêm, thái lát mỏng, phơi khô, dùng sống hoặc sao qua.
Chế rượu: Lấy đan sâm đã thái phiến, thêm rượu, trộn đều dược liệu với rượu, đậy kín, để 1 giờ cho ngấm hết rượu, đem sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra, để nguội. Cứ 10 kg đan sâm cần 1 lít rượu.
9. Thành phần hoá học:
Các dẫn chất có 3 ceton (tansinon I. IIA, IIB, iso-tanshinon I. IIA) và chất tinh thể màu vàng cryptotanshinon, isocryptotanshinon, methyl-tanshinon. Ngoài ra còn có acid lactic, phenol, vitamin E.
- Các chất hòa tan trong nước: axít caffeic và các hợp chất phenolic liên quan như axít protocatechuic, axít lithospermic B, axít rosmarinic, axít 3,4-dihydrophenyllactic, protocatechualdehyde …
- Các chất hòa tan trong mỡ: Các tanshinon (các quinon diterpenoit như dihydrotanshinon I, cryptotanshinon, tanshinon I, tanshinon II), là các chất tạo ra màu nâu đỏ của rễ
10. Tác dụng dược lý:
Trong y học cổ truyền Trung Hoa, đan sâm từng được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị một số chứng bệnh liên quan tới tim mạch và đột quỵ. Các kết quả từ nghiên cứu lâm sàng trên người và động vật cũng hỗ trợ cho việc sử dụng đan sâm vào các mục đích này ở một mức độ nhất định do đan sâm có khả năng làm giảm vón cục máu theo 2 cách.
- Hạn chế độ dính của các thành phần máu gọi là tiểu huyết cầu.
- Giảm việc tạo ra các tơ huyết (fibrin), các sợi protein có khả năng bắt giữ các tế bào máu để tạo ra các cục nghẽn.
Cả hai tác động này giúp cải thiện lưu thông máu. Ngoài ra, các hóa chất có trong đan sâm có thể nới lỏng và giãn nở các mạch máu, đặc biệt là các mạch máu gần tim. Trong các nghiên cứu trên động vật, các hóa chất trong đan sâm cũng cho thấy tác dụng bảo vệ các lớp lót bên trong của các động mạch, giảm khả năng bị thương tổn của chúng. Một số nghiên cứu khác lại gợi ý rằng đan sâm có tiềm năng làm tăng lực đẩy của nhịp tim và làm giảm nhịp tim một chút. Các tác động này có tiềm năng cải thiện các chức năng tim và giúp cho việc phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Trong nghiên cứu trên động vật, đan sâm dường như cản trở sự phát triển của xơ hóa gan—sự hình thành của các sợi dạng sẹo trong gan. Do các sợi không chức năng này chèn lấn các mô hoạt động của gan, nêng của các chất có tiềm năng gây xơ hóa gan sẽ có thể giảm xuống và như thế cũng làm giảm rủi ro bị tổn thương do chúng gây ra. Các kết quả từ một số nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng đan sâm cũng có thể bảo vệ các mô thận khỏi thương tổn do bệnh đái đường gây ra.
Gần đây, các kết quả sơ bộ từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng đan sâm có thể có tác động hoạt hóa chống lại các tế bào ung thư ở người cũng như HIV. Đan sâm có thể ngăn chặn sự lan truyền của một vài kiểu tế bào ung thư khác nhau bằng cách ngăn chặn sự phân bào và làm cho các tế bào ung thư bị phân hủy. Đối với HIV, các hóa chất có trong đan sâm có thể ngăn chặn sự hoạt động của một enzym là HIV-1 integraza, là enzym mà virus cần để nhân bản. Chưa có thử nghiệm nào trên người được thực hiện cho các tính năng này của đan sâm.
11. Công năng:
Ðan sâm có vị đắng, tính hơi mát; có tác dụng khư ứ chỉ thống, hoạt huyết thông kinh, thanh tâm trừ phiền.
12. Công dụng:
Dùng chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, rong kinh đau bụng, tử cung xuất huyết, đau khớp xương, hòn báng do khí huyết tích tụ, phong tê, ung nhọt sưng đau, đơn độc, ghẻ lở. Cũng dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ và trẻ em xanh xao vàng vọt, ăn uống thất thường.
Từ xưa, giới chuyên ngành Đông y, Đông dược đã lưu truyền câu ngạn ngữ: "Nhất vị Đan sâm ẩm, công đồng Tứ vật thang", nghĩa là chỉ một vị đan sâm cũng có tác dụng ngang với cả bài thuốc Tứ vật (gồm 4 vị thục địa, đương quy, bạch thược và xuyên khung, là bài thuốc "bổ huyết điều huyết" kinh điển của Đông y).
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, đan sâm có tác dụng dược lý khá phong phú:
- Làm giãn và tăng lưu lượng động mạch vành, phòng chống tích cực tình trạng thiếu máu và hoại tử cơ tim, làm chậm nhịp tim.
- Nâng cao sức chịu đựng của tế bào não và cơ tim trong điều kiện thiếu ôxy.
- Chống đông máu.
- Điều chỉnh rối loạn lipid máu: làm giảm cholesterol và triglycerid; ức chế và làm chậm quá trình hình thành các mảng vữa xơ động mạch.
- Bảo vệ và thúc đẩy sự tái sinh tế bào gan, chống tình trạng loét niêm mạc dạ dày, cải thiện công năng của thận và dự phòng cơn hen tái phát.
- Ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn E.coli, lỵ và thương hàn.
- Nâng cao sức miễn dịch, chống thương tổn do phóng xạ, thanh trừ và ức chế sự hình thành các gốc tự do, thúc đẩy quá trình liền sẹo vết thương.
- Trấn tĩnh và chống co giật.
Với việc phát hiện các tác dụng trên, hiện đan sam và các chế phẩm của nó được y học sử dụng để trị nhiều bệnh như viêm gan, viêm thận, hen, viêm thần kinh ngoại vi do tiểu đường, đau đầu do nguyên nhân mạch máu, ù tai do nguyên nhân thần kinh, mụn nhọt... Đặc biệt, nó được dùng trong các bệnh lý tim mạch như thiểu năng tuần hoàn não, tai biến mạch máu não, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành, xuất huyết võng mạc, viêm động tĩnh mạch...
13. Cách dùng, liều lượng:
Hiện đan sâm không chỉ được dùng theo lối cổ truyền (thuốc sắc, viên hoàn hoặc bột) mà còn được sản xuất thành các chế phẩm như dịch tiêm truyền, viên nén, viên nang, trà tan... Tuy nhiên, các dạng thuốc này đều khá phức tạp, khó chế, khó dùng và đắt tiền. Cách đơn giản nhất vẫn là chế trà dược Đan sâm ẩm theo sách Dược thiện học Trung Quốc:
Đan sâm 6 g rửa sạch, thái mỏng rồi hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong một ngày. Chú ý chọn loại đan sâm to chắc, khô, mềm, sắc ngoài đỏ tía, sắc trong vàng thâm, mịn, không có xơ và không có rễ con.
Nên dùng loại trà dược này với mục đích dự phòng tích cực, điều trị hỗ trợ hoặc điều trị duy trì đối với những bệnh đã nêu trên. Nếu sau khi uống, bệnh nhân bị đi lỏng thì trong các lần sau, nên sao qua đan sâm trước khi dùng, hoặc cho thêm vào ấm trà vài lát gừng tươi. Riêng đối với bệnh lý động mạch vành, để nâng cao hiệu quả trị liệu, có thể thêm với một số vị thuốc hoạt huyết khác như đàn hương, tam thất, hồng hoa, nguyệt lý hoa... Ví dụ: Đan sâm 15 g, tam thất 100 g, hai thứ tán vụn, mỗi ngày dùng 10 g, bọc trong túi vải, hãm uống thay trà.
14. Bài thuốc:
*1. Chữa kinh nguyệt không đều, động thai, đẻ xong máu hôi không ra hết, đau khớp xương:
Dùng Ðan sâm rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, tán nhỏ, ngày uống 8g chia 3 lần, chiêu thuốc với nước nóng.
*2. Chữa viêm gan mạn tính hoặc sưng gan, đau vùng gan:
Ðan sâm 20g
Cỏ nọc sởi 20g
Sắc uống hàng ngày.
*3. Chữa phong nhiệt, ghẻ lở:
Ðan sâm 20g
Thổ sâm 16g
Sà sàng (hạt) 16g
Nấu nước để rửa khi còn nóng.
*4. Chữa tim sưng đau, hoặc điên cuồng, tâm thần hoảng hốt:
Ðan sâm 20g
Mạch môn 20g
Ngưu tất 20g
Sinh địa 20g
Tâm sen sao 8g
Hoàng liên (hay Dành dành) 8g
Kiêng kỵ: Không dùng chung với Lê lô.
Định tính
-
Phương pháp hóa học :
Lấy 3 g bột dược liệu, thêm 5 ml ethanol (TT), đun sôi, lọc. Dịch lọc có màu đỏ vàng (dung dịch A).
Lấy 1 ml dung dịch A, thêm 1 giọt thuốc thử Nessler (TT), cho tủa màu nâu đất.
Lấy 1 giọt dung dịch A, đặt trên phiến kính, bốc hơi ethanol cho khô, đem soi kính hiển vi có tinh thể màu đỏ da cam.
Lấy 1 giọt dung dịch A đặt trên phiến kính, thêm 1 giọt dung dịch natri bisulfit 3,3% (TT), lập tức xuất hiện tinh thể không màu.
-
Phương pháp chiếu xạ :
Đun sôi 5 g bột dược liệu với 50 ml nước trong 15 - 20 phút, để nguội, lọc. Cô dịch lọc trong cách thủy tới khô. Hòa tan chất chiết được trong 3 - 5 ml ethanol (TT), lọc: Nhỏ vài giọt dịch lọc lên 1 tờ giấy lọc, để khô và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm, thấy ánh sáng huỳnh quang lục-xanh lơ.
Lấy 0,5 ml dịch lọc trên, thêm 1 - 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), sẽ có màu lục bẩn.
-
Phương pháp sắc ký lớp mỏng :
Bản mỏng: Silica gel G
Dung môi khai triển: Benzen - ethyl acetat (19 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml ether (TT) lắc, để yên 1 giờ, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thuỷ đến cắn, hoà tan cắn trong 1 ml ethyl acetat (TT) dùng làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu (1): Lấy 1 g bột Đan sâm (mẫu chuẩn), tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan một lượng tanshinone IIA trong ethylacetat (TT) thu được dung dịch đối chiếu chứa 2 mg tanshinone IIA / 1 ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, quan sát ở ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1); và một vết màu đỏ sẫm trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vị trí và màu sắc trùng với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2).